Móng nhà là gì, các loại móng nhà và chiều sâu chôn móng.
Mọi người đang chuẩn bị xây nhà mà chưa biết ngôi nhà của mình nên áp dụng loại móng gì cho hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu về kết cấu chịu lực cũng như hợp lý để đỡ tốn kém, sau đây tư vấn Phan Thịnh sẽ có bài viết phân tích về vấn đề trên để các bạn có những lựa chọn phương án móng cho hợp lý với ngôi nhà của mình.
Móng nhà là gì.
Móng nhà là bộ phận dưới cùng của ngôi nhà, có tác dụng chịu lực chính giữa ngôi nhà đỡ ngôi nhà trên nền đất tự nhiên.
Móng nhà chia làm những loại cơ bản sau:
Open this in UX Builder to add and edit content
1, Móng cốc (móng đơn) là gì, trong trường hợp nào sử dụng móng cốc – móng đơn:
Móng cốc (móng đơn) là loại móng có sức chịu tải kém nhất, thường được sử dụng cho những ngôi nhà có chiều cao tầng thấp, từ 1 đến 3 tầng, và nền đất của ngôi nhà là nền đất tốt, đất cứng. Chi phí xây dựng ngôi nhà sử dụng móng cốc (móng đơn) thường thấp hơn các hệ móng khác, tiến độ thi công cũng nhanh hơn các hệ móng khác.
Kích thước móng cốc hay sử dụng: 1,4m x 1,4m , 1,6m x 1,6m, 1,8m x 1,8m.
Bản vẽ kết cấu móng cốc nhà cấp 4, nhà 2 tầng, 3 tầng hay sử dụng:
Kết cấu móng cốc thường đan thép 1 lớp phi 10 a150.
Chiều sâu chôn móng thường từ 1,3m – 1,5m, tùy vào thực tế công trình và điều kiện cụ thể để lựa chọn chiều sâu chôn móng, quan trọng nhất là móng phải đặt trên nền đất cứng.
2, Móng băng là gì, trong những trường hợp nào thì nên sử dụng móng băng:
Móng băng là một dải mặt cắt chạy dọc theo các trục dầm tường, để kết nối các trục cột với nhau. Về chịu lực móng băng tốt hơn móng cốc (móng đơn), nhưng chi phí xây dựng sẽ tốn kém hơn, móng băng được áp dụng cho những ngôi nhà có chiều cao 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng, có thể lên đến 4 tầng khi nền đất cứng.
Chiều sâu chôn móng thường từ 1,4m – 1,5m, tùy vào thực tế công trình và điều kiện cụ thể để lựa chọn chiều sâu chôn móng, các bạn lưu ý phần móng băng phải kê lên nền đất cứng, khi nền đất là nền đất mượn cần chuyển sang hệ móng cọc ép hoặc cọc khoan nhồi. Ngoài ra đối với những ngôi nhà có nhà liền kề đã xây bên cạnh, cần tránh đào móng quá sâu sẽ ảnh hưởng đến công trình nhà kế bên.
Móng băng với nhà 2 tầng và nhà 3 tầng thường có kích thước 0,33m x 0,6m (kích thước phổ biến) ngoài ra tùy vào thực tế từng ngôi nhà mà đơn vị thiết kế thiết kế kích thước móng băng sao cho phù hợp, vừa đảm bảo chịu lực kết cấu, vừa không quá lãng phí cho chủ đầu tư.
3, Móng cọc ép bê tông là gì, trong trường hợp nào nên sử dụng cọc ép bê tông.
Móng cọc ép bê tông là hệ móng sử dụng cọc bê tông có tiết diện vuông hoặc tròn ép trực tiếp xuống nền đất, và chống vào nền đất cứng. Sử dụng phương án ép cọc bê tông có ưu điểm biết được sức chịu tải đầu cọc ngay khi ép, nếu ép bằng máy robot thì thi công nhanh hơn cọc khoan nhồi, nhưng phương án ép cọc cần lưu ý đến các ngôi nhà liền kề hai bên, vì phương án ép cọc thường gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh hơn phương án khoan cọc nhồi. Có nhiều trường hợp nhà bên có hiện tượng nghiêng sau quá trình ép cọc. Trước khi ép cọc bê tông, nếu nhà bên cạnh có hệ móng kết cấu yếu như móng gạch hoặc móng đơn, móng cốc cần có phương án xử lý chống nghiêng nhà bên trước khi ép cọc bê tông.
Cọc bê tông tiết diện vuông thường có chiều dài phổ biến là 4m, 6m, 8m, 10m, 12m.
Đối với những ngôi nhà có nhà bên canh đã xây trước việc ép cọc bê tông thường cách mép tường nhà bên trung bình từ 50-70cm
Về máy ép cọc được chia làm 3 loại chính phổ biến hiện nay:
a, Ép cọc bê tông bằng robot:
Ưu điểm của máy ép cọc robot là ép nhanh, tải đầu cọc sau khi ép có sức chịu tải lớn, nhược điểm của máy ép cọc robot là chỉ ép được những ngôi nhà có mặt bằng rộng trên 10m, đường vào ngôi nhà cũng rộng thoáng để di chuyển máy vào công trình. Ngày nay các công trình nhà dân cũng hay sử dụng phương án ép cọc robot do giá cả không chênh lệch với phương án ép cọc bằng máy ép thủy lực nhiều, mà sức chịu tải đầu cọc sau khi ép lớn và tiến độ thi công nhanh hơn, điều cần lưu ý ở đây là có đường đi thuận lợi để di chuyển máy vào công trình.
b, Ép cọc bê tông bằng máy ép thủy lực:
Ép cọc bằng máy ép thủy lực đối trọng bê tông thường dùng trong những công trình có mặt bằng lớn, công trình lớn, nhưng do việc di chuyển các cục bê tông lớn làm chậm tiến độ nên ngày nay người ta thường dùng ép cọc robot hoặc ép cọc bằng máy ép thủy lực có đối trọng bằng thép.
Ép cọc bằng máy ép thủy lực neo không đối trọng thường dùng trong khu đô thị, đường đi vào nhà hẹp, các máy ép lớn không thể di chuyển vào được, phương án ép neo các đầu cọc có sức chịu tải kém hơn phương án ép cọc có đối trọng.
4, Móng cọc khoan nhồi là gì, trong trường hợp nào nên sử dụng cọc khoan nhồi.
Thi công cọc khoan nhồi là công nghệ đúc cọc bê tông tại chỗ trong lòng đất. Theo lý thuyết cọc khoan nhồi là phương án thi công mà sức chịu tải của cọc là lớn nhất, thường dùng trong các công trình nhà cao tầng, các công trình nhà dân hiện nay cũng được sử dụng nhiều, giá thành cao hơn so với ép cọc bê tông không nhiều, trong khi thi công khoan cọc nhồi sẽ an toàn cho các công trình lân cận hơn thi công ép cọc bê tông.
Thi công cọc khoan nhồi phương án khoan ướt trước đây thường hay được sử dụng, tuy nhiên trong khu đô thị phương án khoan ướt thường có nhược điểm là chủ đầu tư hay phải nộp phạt chị phí vì vi phạm vệ sinh môi trường, giá thành khoan ướt thấp hơn khoan khô, nhưng cọc sẽ hay bị lẫn tạp chất hơn khoan khô.
Thi công cọc khoan nhồi công nghệ khoan khô ngày nay được sử dụng phổ biến hơn trong ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo chất lượng đầu cọc, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trên đây là bài viết sơ lược về phần móng để các bạn tham khảo, và áp dụng vào ngôi nhà của mình, cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, xin cảm ơn.
Open this in UX Builder to add and edit content